Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Theo kết quả ” Nghiên cứu ban đầu về các không gian sáng tạo ở Việt Nam” trong Dự án kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh, các không gian sáng tạo đều hướng tới xây dựng thị trường nghệ thuật, góp phần phát triển văn hóa đô thị.

 

Được khởi xướng từ năm 2008, Nghiên cứu về các không gian sáng tạo ở Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực chính như: nghệ thuật thị giác, âm nhạc, điện ảnh, múa, thiết kế, công nghệ thông tin và truyền thông… Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng kéo theo thu nhập bình quân đầu người trung bình tăng 7 – 8%/năm kể từ năm 1990, cùng sự bùng nổ internet và sự phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội, đã mang đến những yếu tố và ý tưởng mới lạ cho ngành công nghiệp sáng tạo. Từ năm 2009, tại các thành phố lớn, hàng loạt không gian sáng tạo ra đời như: Doclab, Cà phê Thứ 7, YxineFF (2010), Đom đóm (2013), Zone 9 (đầu năm 2013), Heritage Spage (đầu 2014), ADC Academy (3.2014), Nhà ga 3A (4.2014)… khiến cho môi trường sáng tạo nghệ thuật trở nên phong phú hơn. Nhà báo Trương Uyên Ly – người trực tiếp thực hiện nghiên cứu cho biết: “Ngày càng nhiều không gian sáng tạo được mở ra để mọi người gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng, hay thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Thời điểm này ở Việt Nam đã có 40 không gian sáng tạo, tập trung tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”.

         Số phận của các không gian sáng tạo rất khác nhau, được mở ra và bị đóng lại liên tục. Đầu tháng 4.2014, Saigon Hub – không gian của nhiều dự án khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa, tuy nhiên chỉ 6 ngày sau đó, Nhà ga 3A (Alternative Art Area) – không gian sáng tạo được coi là thú vị nhất tại TP Hồ Chí Minh được khai trương. Tổ hợp này gồm các hội chợ nghệ thuật, không gian cho các nghệ sĩ vẽ tranh graffiti, cửa hàng thời trang, cửa hàng bán sản phẩm trang trí nội thất. Tại Hà Nội, vào đầu tháng 5.2014, quán cà phê âm nhạc và điện ảnh Hầm Hành ra đời; Zone 9 mở cửa trở lại tháng 7.2014 với tên gọi mới X98, vẫn dưới sự quản lý của người sáng lập, kiến trúc sư Trần Vũ Hải.

Những không gian sáng tạo trong đô thị như tổ hợp các phòng tranh, quán bar, quán cà phê và xưởng sáng tác của nghệ sĩ đã thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói các không gian này đóng góp một phần không nhỏ vào việc tạo ra hình ảnh một thành phố hiện đại, thân thiện và cởi mở. Theo đại diện không gian sáng tạo Hanoi Grapevine Phạm Hoàng Miên, từ chỗ chỉ là trang web giúp giới trẻ săn vé nghệ thuật, Hanoi Grapevine trở thành địa điểm mà ở đó nghệ sĩ, công chúng yêu nghệ thuật có thể tìm thấy đầy đủ sự kiện văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Với mục tiêu tạo sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ không chỉ ở Hà Nội, mà còn nhiều tỉnh, thành khác, Phạm Hoàng Miên hy vọng, về lâu dài, Hanoi Grapevine sẽ góp phần xây dựng thị trường nghệ thuật và phát triển văn hóa đô thị tại Việt Nam. Hay như Zone 9, không gian sáng tạo quy mô lớn với sức chứa lên đến hàng nghìn người, gồm các cửa hiệu, nhà hàng, quán bia hơi, quán café âm nhạc, quán bar, và thậm chí cả dịch vụ rửa xe, lớp học nhảy và yoga, studio chụp ảnh, văn phòng kiến trúc sư, phòng tranh… Kể từ khi mở cửa, Zone 9 sớm sở thành nơi gặp gỡ của hàng nghìn bạn trẻ trong và ngoài nước tại Hà Nội. Nhiều người đã coi Zone 9 như là không gian giải trí, ngôi nhà sáng tạo của riêng mình. Bên cạnh đó, mô hình Zó Project của nhóm bạn trẻ từng du học Pháp lại có ý tưởng phát triển các sản phẩm giấy dó truyền thống của Việt Nam, tạo môi trường tìm hiểu về nghề làm giấy, các triển lãm, sự kiện văn hóa liên quan đến giấy dó. Nhà ga 3A cũng là một ví dụ nổi bật về đóng góp của nghệ thuật đối với sự phát triển đô thị. Hiện nay, đây là điểm đến thú vị cho nghệ sĩ, khách hàng muốn mua sản phẩm thủ công địa phương 100% chất lượng cao, và khách du lịch muốn trải nghiệm những hoạt động văn hóa nghệ thuật mới mẻ và độc đáo đang diễn  ra trong thành phố…

Sự vận động của các không gian sáng tạo cũng mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, tạo thêm việc làm cho xã hội. Như Zone 9 có tới 1.000 nhân viên làm việc cho 60 hộ kinh doanh. Chưa kể, các doanh nghiệp sáng tạo cũng rất quan tâm đến trách nhiệm doanh nghiệp, như Life Art của Phan Ý Ly – một mô hình giáo dục luôn dành học bổng cho người khó khăn… Các không gian sáng tạo được đánh giá cao bởi tính “tự nuôi sống, tự vận động” của nó. Nhờ nguồn lợi tức từ chính hoạt động sáng tạo này, các không gian sẽ trở nên bền vững hơn. Vì thế, cần hỗ trợ các kỹ năng và nâng cao năng lực cho các doanh nhân sáng tạo, nghệ sĩ, những người trực tiếp hoạt động trong ngành nghề này. Bên cạnh đó, cũng nên thúc đẩy tinh thần kinh doanh thông qua các giải thưởng Doanh nhân sáng tạo trẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới doanh nhân sáng tạo trong và ngoài nước.

QV (nguồn: theo Hương Sen, daibieunhandan.vn)

Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Không gian sáng tạo văn hóa đô thị
Không gian sáng tạo văn hóa đô thị

Tin Tức Sự kiện Khác

Tin Tức Sự kiện Khác